PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về các chân sút U23 Việt Nam ở kỳ SEA Games vừa qua?
Nhà báo Đình Khải: Tại SEA Games 28, ĐT U23 Việt Nam đã có một lực lượng tốt, đồng đều. Dễ nhận thấy là các cầu thủ sở hữu một nền tảng thể lực tốt, bảo đảm cho suốt 90 phút thi đấu chính thức. Ngoài ra, trình độ kỹ thuật cá nhân của các chân sút trẻ cũng thể hiện rõ qua khả năng đi bóng, tổ chức phòng ngự, tấn công. Bên cạnh đó, HLV Toshiya Miura đã rèn cho các học trò cách chơi bóng theo chiến thuật bài bản.
PV: Ông có thể nhận xét về tương quan giữa hàng công và hàng thủ của ĐT U23 Việt Nam?
Nhà báo Đình Khải: Số bàn thắng các cầu thủ ghi được đã nói lên tất cả. Chúng ta chỉ đứng sau U23 Thái-lan về lượng bàn thắng ở SEA Games 28. Còn bóng đá Việt Nam, kể cả ở đội tuyển, khả năng phòng thủ cũng là một vấn đề cần cải thiện. Tại giải đấu này, hàng thủ của U23 Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là vị trí thủ môn. Các hậu vệ cũng bọc lót cho nhau tốt.
Pv: Nếu vậy, tại sao ĐT U23 Việt Nam chỉ dừng bước ở bán kết, thưa ông?
Nhà báo Đình Khải: Ở vòng bảng, chúng ta phải cạnh tranh với hai đội rất mạnh là U23 Thái-lan và U23 Malaysia cho chiếc vé vào bán kết. Trong hai đội này, rõ ràng Thái-lan có trình độ cao hơn chúng ta, còn Malaysia cũng không phải đối thủ dễ dàng. Năm vừa qua, bóng đá Việt Nam cũng đã phải “trầy trật” với Malaysia. Ở trận bán kết AFF Cup 2014, chúng ta đã thua họ 2-4 ngay tại sân Mỹ Đình. Kỳ SEA Games năm 2009 tại Lào, chúng ta thắng họ ở vòng bảng nhưng lại thua ở chung kết.
Còn trong trận bán kết, yếu tố may mắn đã không đứng về phía U23 Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều cơ hội nhưng đều bỏ lỡ. Lý do là bởi đội bạn chơi phòng ngự dày đặc, kèm người rất chặt, không để cho các chân sút Việt Nam khoảng trống cần thiết. Thời gian trôi qua nhưng không ghi được bàn thắng đồng nghĩa với việc các cầu thủ sẽ nôn nóng. Mà nôn nóng thì lại càng xử lý thiếu chính xác. Tấn công nhiều mà không ghi được bàn, ắt sẽ dẫn tới bàn thua, đây là một quy luật hiển nhiên. Dù bàn thua này và cả bàn thua thứ hai đều do không may, nhưng nếu chúng ta ghi được bàn mở tỷ số thì cục diện trận đấu sẽ khác.
Trước khi SEA Games 28 khởi tranh, ĐT U23 Việt Nam đã đặt mục tiêu vào bán kết. Như vậy, thầy trò ông Miura đã hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí đã vượt kế hoạch với chiếc HCĐ. Với những gì đã làm được, tôi đánh giá ĐT U23 Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công.
Kkhông ch??? d??y các học trò cách chơi bóng, ông Miura đã biến các cầu thủ thành người một nhà.
PV: Sau khi ĐT U23 Việt Nam giành HCĐ, đã có ý kiến cho rằng, cách sử dụng cầu của HLV Toshiya Miura là không hợp lý. Đặc biệt là khi để tiền đạo Công Phượng đá ở vị trí “trái chân”. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Nhà báo Đình Khải: Đây là phong cách dùng người riêng của ông Miura. Theo tôi, ông Miura muốn hướng các học trò tới việc thể hiện tinh thần, khát khao chiến thắng, chứ không phải thi đấu chệch choạc, nhưng chỉ cần là “ngôi sao” thì sẽ được tr???ng dụng.
Ở trường hợp cá nhân Công Phượng, đây là một tiền đạo luôn được các đối thủ “chăm sóc” kỹ lưỡng. Trong tất cả các trận đấu, mỗi khi Công Phượng có bóng, sẽ có 3-4 cầu thủ đối phương kèm chặt. Với những khó khăn như vậy, muốn chuyền được đã là khó, chứ đừng nói đến sút bóng. Công Phượng chỉ còn cách giữ bóng, chứ không phải cậu ấy đá cá nhân. Ý đồ của ông Miura là dùng Công Phượng làm “mồi nhử”, thu hút sự chú ý của hàng phòng ngự đối phương.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tôi hoàn toàn đồng tình với cách sử dụng cầu thủ của ông Miura. Như trận gặp U23 Lào, vị trí lùi quá sâu của Công Phượng đã khiến chân sút trẻ này gặp khó khăn và không thể thi đấu đúng sở trường.
PV: Vậy còn phương pháp luân chuyển cầu thủ liên tục của ông Miura, thưa ông?
Nhà báo Đình Khải: Điểm hay của cách làm này là tất cả các cầu thủ đều được ra sân. Tính toán của ông Miura là khi vào các vòng sau, toàn đội sẽ không gặp khó khăn khi có cầu thủ chấn thương hoặc bị thẻ phạt. Ngoài ra, các chân sút trẻ cũng trưởng thành hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, tâm lý thi đấu vững vàng hơn. Tuy nhiên, cũng vì thế mà cách làm này khiến sự phối hợp giữa các cầu thủ không được sâu, nhất là trên hàng tiền đạo.
PV: Thua trận đầu ở Vòng loại World Cup 2018 trước ĐT Thái-lan, thất bại trước U23 Myanmar tại SEA Games 28... ông có nghĩ rằng đây là bức tranh chân dung của vị HLV người Nhật Bản?
Nhà báo Đình Khải: Theo tôi, chúng ta không nên vội vàng như vậy. Bởi thời gian ông Miura gắn bó với bóng đá Việt Nam còn chưa nhiều. Nếu nhìn vào những thành tích của ông trên cương vị HLV trưởng các ĐT quốc gia, chúng ta sẽ thấy được những điều công bằng hơn.
Mong ước giành HCV môn bóng đá nam tại SEA Games của Việt Nam đã tồn tại nửa thế kỷ, nhưng đến nay vẫn chưa HLV nào làm được. Với thời gian tiếp xúc với bóng đá Việt Nam, đặc biệt là ĐT U23 quốc gia chưa lâu, tôi nghĩ ông Miura đã làm rất tốt nhiệm vụ. Ví dụ như tỷ số 5-1 trong trận thắng U23 Malaysia. Đây thực sự là điều “không tưởng”, bởi trước đó, chúng ta chỉ mong thắng được đã là tốt rồi.
Còn Thái-lan thì sao? Họ đã 15 lần vô địch SEA Games. Thời gian gần đây, chỉ có năm 2009 và năm 2011 là họ để lỡ ngôi đầu. SEA Games năm nay, không những bóng đá, mà bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ của họ cũng vô địch. Thái-lan cũng là nước đứng đầu bảng xếp hạng với số HCV cao nhất... Nghĩa là khoảng cách về thể thao giữa Thái-lan và chúng ta là không nhỏ.
Đừng vội vàng với ông Miura. Ông ấy cần thời gian và sự ủng hộ. Thay vì chỉ trích, tôi nghĩ chúng ta nên động viên, để ông Miura tiếp tục công việc, tiếp tục cống hiến cho bóng đá Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc nói chuyện. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin kính chúc ông sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho nền báo chí và thể thao nước nhà.
Huy Toàn là một trong những cầu thủ trẻ đã tỏa sáng dưới sự dẫn dắt của HLV Toshiya Miura.