Kết quả này bị phần đông, trước hết là những người dân của cả hai phía, cho rằng không tạo ra điều gì khác biệt so với những gì đã có trong quá khứ. Điều này là hoàn toàn đễ hiểu bởi trước đó, không ít các hiệp định có tính chất hòa bình với những nội dung như công nhận sự tồn tại của cả hai nhà nước Israel lẫn Palestin; Israel trao trả những vùng đất chiếm đóng của người Palestin v.v., cũng đã được ký kết, tiêu biểu như Hiệp định Oslo (ngày 13-9-1993), Oslo II (9-1995) hay Wye River (10-1998). Hệ thống các hiệp định này chính là nền móng của tiến trình hòa bình Trung Đông như cách gọi hiện nay. Nhưng rồi tất cả đã chỉ dừng lại ở mức biểu tượng của ý chí vươn tới hòa bình bởi đủ mọi lý do.
Những mất mát về người và của không hề giảm sau đó đã tạo nên một sự bi quan đến cùng cực của người dân nơi mảnh đất Trung Đông luôn nóng bỏng. Ông Hassan Jabr, một người Palestine ở Dải Gaza, nói rằng "Cuộc đàm phán sẽ không có kết quả. Nó sẽ chỉ là một sự lặp lại của những cuộc đàm phán trước đây. Phía Palestine đã chịu thua khi họ bắt đầu cuộc đàm phán mà không có sự ngưng chỉ các dự án xây dựng khu định cư, và việc phóng thích tù nhân cũng sẽ không xảy ra".
Ở phía đối lập, với quan điểm chỉ cần Israel và Palestin chịu ngồi lại với nhau cũng đã là sự kiện đáng phải ghi nhận, cũng có không ít người lạc quan cho rằng đây là sự kiện quan trọng có thể tạo động lực nhằm phá vỡ tình trạng ngưng trệ quá lâu của tiến trình hòa bình Trung Đông. Trong số đó, từ ngoại trưởng J. Kerry tới đại diện của hai phái đoàn đều đánh giá cao những gì đã đạt được tại hòa đàm.
Ngày 31-7, phát biểu sau khi trở về từ Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni cho biết, “Các cuộc gặp ở Washington rất tốt, đặc biệt là cuộc gặp song phương giữa Israel và Palestine. Điều quan trọng là tôi gặp các nhà đàm phán Palestine, chứ không chỉ nghe từ phía Mỹ. Sau cuộc gặp này, tôi thấy rằng, hai bên đều nghiêm túc trong việc đưa mọi vấn đề lên bàn để thảo luận”.
Nếu đặt cuộc hòa đàm lần này trong bối cảnh toàn bộ khu vực Bắc – Trung Đông hiện nay cũng như trong lịch sử xung đột Israel – Palestin, chúng ta sẽ thấy thực sự đã có một số khác biệt xuất hiện, báo hiệu những tia sáng, cho dù có thể chỉ le lói, trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Điều này thể hiện từ chính những nguyên nhân dẫn tới cuộc hòa đàm này.
Trước hết, về phía nhà nước Palestin, chính vào thời điểm đạt được quy chế quan sát viên chính thức của Liên Hợp Quốc năm 2011, rồi trở thành thành viên chính thức của cơ quan chuyên trách UNESCO của LHQ, chính quyền của Tổng thống Mahmoud Abbas hiểu rằng, thậm chí cho dù có trở thành thành viên chính thức của LHQ, thì để giấc mơ có được nhà nước độc lập trở thành hiện thực, Palestin cuối cùng vẫn phải khắc phục được trở ngại lớn nhất là Israel, bởi liên quan tới vấn đề lãnh thổ.
Mô hình quản lý hiện tại của tổ chức toàn cầu này, đặc biệt là nguyên tắc nhất trí của Hội Đồng Bảo An, chưa đủ khả năng buộc Isreal phải tuân thủ những đòi hỏi về lãnh thổ của Palestin (nếu nó được HĐBA thông qua). Đàm phán với Israel còn giúp cho đảng cầm quyền Fatar của ông Abbas có thể gây áp lực lên các lực lượng đối lập, tiêu biểu là lực lượng Hamas (hiện Hamas vẫn từ chối tham gia chính phủ theo đề nghị của chính quyền Abbas). Trên hết, vào thời điểm hiện tại, đối thoại rõ ràng là biện pháp tốt nhất để các nhà lãnh đạo Palestin có thể xoay chuyển tình thế.
Đối với Israel, những cuộc giao tranh với Palesstin càng gia tăng và kéo dài thì những tổn thất cũng sẽ ngày một lớn. Từ khi “mùa Xuân Ả rập” xuất hiện, Bắc Phi – Trung Đông vẫn chìm trong xung đột, căng thẳng, từ cuộc nội chiến ở Syria đến tình trạng lộn xộn tại Ai Cập, từ chương trình hạt nhân của Iran tới những hoạt động của các nhóm khủng bố tại Algeria, Mali v.v. Một thực tế là chính bối cảnh căng thẳng này lại khiến cho Israel rơi vào tình trạng mất an ninh nhất. Những áp lực từ EU và Mỹ cũng phần nào đe dọa đẩy Israel vào tình trạng bị cô lập hoàn toàn. Hòa đàm với Palestin có thể khiến thủ tướng Netanyau sẽ phải đối mặt với những chỉ trích từ phía đối lập tại nghị trường nhưng những gì đạt được từ hiệp định hòa bình sẽ là lớn hơn rất nhiều. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy của ê kíp Netanyau, người nổi tiếng có quan điểm cứng rắn với Palestin. Sự thay đổi này thật sự rõ ràng qua việc ngay trước thềm cuộc hòa đàm, Thủ tướng Netanyau đã thuyết phục được nội các thông qua quyết định trả tự do cho 104 tù nhân Palestine.
Những áp lực lên chính quyền Tel Aviv trong thời gian qua cho thấy dường như đang có những điều chỉnh trong chính sách của EU và Mỹ đối với xung đột Israel – Palestin. Quy định mới về giao dịch với Israel (ngày 17-7-2013) của EU buộc Israel phải nhìn nhận lại chính sách cứng rắn truyền thống nếu không muốn chấp nhận những thiệt hại không hề nhỏ trong bối cảnh khó khăn kinh tế hiện nay. 6 chuyến công du từ sau khi nhậm chức (tháng 2-2013) đủ nói lên tâm huyết muốn thay đổi nguyên trạng tiến trình hòa bình Trung Đông của ngoại trưởng Mỹ J. Kerry. Sự tích cực của ông Kerry còn khiến nhiều người cho rằng, cuộc hòa đàm này chính là kịch bản của ngoại trưởng Mỹ. Đương nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định là những đồng minh thân cận của Israel đã định hình một chính sách mới nhằm tạo dựng một nền hòa bình thực sự tại Trung Đông, nhưng những thay đổi trong thời gian qua cũng là vừa đủ để tạo ra một cuộc hòa đàm.
Tất nhiên, hòa đàm Israel – Palestin vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước với một núi trở ngại. Ngoài những điều kiện tiên quyết có tính phủ định nhau của cả hai phía, như trong vấn đề lãnh thổ, thách thức lớn nhất vẫn là việc vẫn còn đó những tư duy bạo lực. Trước kết quả của hòa đàm, người phát ngôn của phong trào Hamas Ismail Haneya tuyên bố quyết định nối lại đàm phán của chính quyền Palestine là hành vi “đi ngược với sự đồng thuận dân tộc” và Tổng thống Abbas không có quyền hợp pháp để thương lượng thay cho người dân Palestine. Ông Haneya cũngkhẳng định lại lập trường của Hamas: “Kháng cự bằng vũ trang là lựa chọn chiến lược cho người Palestine, những gì mất đi bằng vũ lực chỉ có thể lấy lại bằng vũ lực”.
Nhưng cũng chính bởi còn quá nhiều thách thức như vậy mà càng thấy phải đánh giá đúng tầm vóc của cuộc hòa đàm lần này, nó thực sự là ánh sáng cuối đường hầm xung đột Israael – Palestin. Với Trung Đông, bi quan mãi có lẽ cũng đến hồi kết chăng?
Một con đường lớn hình thành từ bao lối mòn và vết xe đổ quá khứ, đó là điều người ta đang chờ đợi và hy vọng.